Câu chuyện sản phẩm về nguồn gốc xuất xứ của dầu đậu phộng và sự hình thình của thương hiệu dầu đậu phộng Lê Thông.
Vùng đất Đức Linh, nằm ở Tây Nam của tỉnh Bình Thuận, là mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ. Trước kia nơi đây là vùng đất sinh sống của các dân tộc Châu Ro, K’Ho. Trong những năm giữa thế kỷ 20, người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đi đến đây lập nên các xóm làng mới, thành quê hương thứ 2 của mình. Gia đình ông Lê Bé, cũng là dân xứ Quảng, theo dòng người di dân đến Đức Linh. Từ thuở bé, ông đã gắn với cái cuốc cái cày, mặc dù được đào tạo kinh qua nhiều vị trí công tác ở chính quyền địa phương nhưng ông vẫn đau đáu nghĩ cách tạo ra sản phẩm chế biến từ nông sản ngay tại vùng trồng.


Nhu cầu dùng dầu Đậu phộng trong chế biến thức ăn thật ra đã có từ rất lâu, thậm chí nó còn là nét văn hóa ẩm thực của người miền Trung. Trước đây, vì nhiều lý do, trong đó có lý do “tiện lợi và rẻ” nhiều người đã chọn mua dầu ăn đóng chai các loại, song gần đây do ngày càng có quá nhiều thực phẩm không bảo đảm an toàn nên dù đậu phộng có giá cao hơn đôi chút so với ngoài thị trường, nhưng người dân quanh huyện Đức Linh vẫn quay lại với dầu đậu phộng. Rất nhiều gia đình, khi đến mùa đậu, tranh thủ ép vài chục lít để lấy dầu ăn trong cả năm. Một yếu tố thuận lợi nữa là vùng đất Đức Linh khá phù hợp với cây đậu phộng. Nếu 1 sào xuống giống đậu phộng, bà con có thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng. Đậu phộng hạt làm ra, được thị trường tiêu thụ mạnh để chế biến thành nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo, số còn lại, chất lượng thấp hơn đều có thể mang đi ép dầu. Sản phẩm dầu làm ra được tiêu thụ mạnh ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, thậm chí còn được chở ngược về xứ Quảng. Chính vì những yếu tố đó nên sau khi nghỉ chế độ, gia đình ông đầu tư máy móc để sản xuất dầu thực vật (dầu lạc, mè) nguyên chất. Hộ kinh doanh Lê Thông được đăng ký và đi vào hoạt động ngày 09/01/2018

Với quy trình chế biến áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, nguyên liệu đầu vào được chọn lọc an toàn, quá trình sản xuất không pha chế thêm bất kỳ hóa chất nào, dầu phộng của cơ sở Lê Thông được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Hộ kinh doanh đã thu mua nguồn nguyên liệu lạc (đậu phộng), mè ở địa phương, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nông dân trong vùng. Hộ kinh doanh Lê Thông đã góp phần thúc đẩy các hộ dân trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, vận động hướng dẫn các hộ áp dụng phương thưc trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ bằng cách không dùng hoặc hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm dầu thực vật nguyên chất Lê Thông góp phần vào việc tạo dựng thương hiệu nông sản Đức Linh, ổn định đầu ra nông sản, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao giá trị đất đai, tài sản của người dân vùng Mê Pu nói riêng và Đức Linh nói chung.
